Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử UBND Xã Trà Vinh
Tên Video
* Về Nam trà my

Chi tiết tin

Đánh thức tiếng cồng chiêng

Sau nhiều năm tưởng chừng chỉ còn văng vẳng thưa thớt sau rừng già, giờ đây tiếng cồng tiếng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Trà My đã được đánh thức nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền nơi đây.



Nhận chiêng mới, bà con Ca Dong lập lễ cúng Giàng...

Chờ được đánh thức

Ở tuổi 42, dù chưa được xem là già làng hay người “lão luyện”, nhưng ông Hồ Văn Thọ (thôn 1, Trà Dơn) được coi là nghệ nhân cồng chiêng của xã nhờ vốn kiến thức phong phú của mình.

Với khả năng thiên phú, cùng niềm đam mê nhạc cụ truyền thống từ nhỏ, ông Thọ đã có quãng thời gian dài để trau dồi, học hỏi nghệ thuật đánh cồng chiêng từ “ông già, bà già” của làng, đồng thời sáng tạo được nhiều điều mới mẻ để nuôi dưỡng tâm hồn và thoả mãn ước muốn của bản thân. Nhưng điều ông mong muốn nhất là sẽ có thêm nhiều người như ông để có thể “nuôi sống” tiếng cồng chiêng - linh hồn của đồng bào.

“Lớp 5, lớp 6 tôi đã đi theo ông già, bà già tới các hội, các làng để xem đánh cồng chiêng, kiến thức tích luỹ bây giờ cũng được kha khá. Bây giờ lứa tuổi như tôi trở xuống rất hiếm người am hiểu và chơi được cồng chiêng theo kiểu truyền thống của người Ca Dong ngày xưa” – ông Thọ chia sẻ.

 Theo già làng Y Xia (thôn 1, xã Trà Dơn), cồng chiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Ca Dong, vì nó thể hiện được bản sắc văn hoá cũng như đời sống tâm linh của đồng bào.

“Mỗi năm cồng chiêng chỉ được đánh 2 lần vào dịp lúa mới và tỉa hạt, nhà có điều kiện hơn thì đánh tại rẫy quế để chào đón thần linh phù hộ mùa màng. Ở những làng xa thì chiêng còn được mang ra để giao duyên, thể hiện tình cảm của các chàng trai đối với cô gái mà họ để ý. Còn lại nếu không có dịp gì đặc biệt thì cồng chiêng chỉ được treo, thờ ở trong nhà” – già Xia nói.

Tại xã Trà Dơn, người Ca Dong hiện nay chiếm 91,56% dân cư toàn xã, dù có vẻ  địa phương đang tập trung phát triển kinh tế, đường sá, xe cộ nhộn nhịp, ai ai cũng chộn rộn, hối hả mưu sinh. Song nếu có dịp vào sâu trong những bản làng khuất sau núi cao, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những khoảng khắc, sắc màu cuộc sống vùng cao mà tưởng chừng chỉ còn được nghe qua lời kể. Ở đó, người Ca Dong đang ấp ủ văn hoá của mình để chở ngày khai hội.

Quan tâm kịp thời


Một buổi học đánh cồng chiêng tại xã Trà Dơn

Sau thời gian dài sử dụng tạm bộ cồng chiêng đã cũ với những vết hoen ố và sức mẻ trên vệt đồng, nay đồng bào Ca Dong của hai xã Trà Dơn và Trà Don phấn khởi tiếp nhận bộ cồng chiêng mới do huyện tặng.

Vội trở về từ buổi gặp mặt người có công ở huyện, già Y Xia chưa kịp thay bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình vì giờ lành để cúng thần linh đã đến. Khoác trên mình bộ trang phục Cựu chiến binh, ông rõ nét tự hào ra mắt thần linh bộ chiêng bóng loáng mới được huyện gửi về cho xã.

Trong lễ cúng, già Xia cất giọng dõng dạc mời gọi thần linh, ma cỏ, đất trời và tụ họp dân làng, lời cúng bái hoà với tiếng chiêng, tiếng trống ngày một nhanh, giòn dã như thúc giục “họ” về để chứng kiến, chung vui. Vây quanh ông, những cô gái Ca Dong thể hiện “Pi ỏ dương ti tí” (điệu múa sum vầy) đầy sức sống. Những tiếng chiêng, điệu múa ấy phấn khởi như niềm vui của đồng bào khi được sống dậy những ngày hội làng ngay giữ mùa oi ả nắng.

“Có chiêng có cồng mới phải gọi Giàng đến chung vui, sau nuôi heo nuôi gà phát triển, cho dân làng no ấm. Tiếng cồng tiếng chiêng ma cỏ thích, đất trời cũng thích, ma cũng vui dân làng cũng vui, trời đất cho nắng ít mưa nhiều, mùa màng xanh tốt” – già Xia tâm sự.

Ông Hồ Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Trà Dơn cho biết, hiện nay xã đã triển khai quyết liệt công tác bảo tồn bản sắc văn hoá của xã Trà Dơn cũng như dân tộc Ca Dong. Bên cạnh đó, Phòng VH-TT huyện cũng đã thường xuyên quan tâm, nghiên cứu và hướng dẫn thực hiện công tác bảo tồn cồng chiêng nói riêng và văn hoá nói chung. “Công tác bảo tồn văn hoá nói chung và cồng chiêng nói riêng mặc dù được quan tâm nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do những người am hiểu đã khuất hoặc đã lớn tuổi, không đảm bảo sức khoẻ truyền dạy. Do đó việc huyện hỗ trợ cồng chiêng và mời nghệ nhân tập luyện cho bà con nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho xã có nguồn lực, cơ sở để duy trì nét văn hoá này” – ông Lợi nói.

Theo ông Nguyễn Thế Phước – PCT UBND huyện Nam Trà My, việc bảo tồn văn hoá vật thể, phi vật thể là việc làm rất thường xuyên của huyện, thông qua việc triển khai nhiều Đề án để bảo tồn .

“Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục cân đối ngân sách từ đầu năm để phân bổ cho các xã, đây là nỗ lực rất lớn của địa phương. Để làm được việc này đòi hỏi huyện phải có sự đầu tư kinh phí, nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, bảo đảm cho nghệ nhân tập huấn, bồi dưỡng. Bên cạnh đó chúng tôi cũng chú trọng đưa văn hoá cồng chiêng vào trường học để thể hệ trẻ tiếp cận sớm, không bỏ quên văn hoá truyền thống của đồng bào mình” – ông Phước nhấn mạnh.

Tác giả: Phú Thiện

Nguồn tin: Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ VINH - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Vinh - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)