Làng Cheng Tong (Thôn 1, xã Trà Cang) - nơi diễn ra lễ hội
Lễ hội diễn ra từ ngày 3 - 5/2 vừa qua tại làng Cheng Tong (thôn 1) với sự tham dự của hàng trăm người dân, du khách. Ngoài phần chính là lễ cúng máng nước, tại lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi với các trò chơi dân gian, thi múa cồng chiêng, gia đình hạnh phúc và trưng bày các sản phẩm dược liệu, nông sản đặc trưng của địa phương.
Như nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên, nếu như cồng chiêng được ví như hơi thở của đại ngàn, thì nghi lễ cúng máng nước là một trong những nghi lễ chính trong đời sống tình thần, tâm linh của người Xơ Đăng để khơi nguồn ra hơi thở đấy.
Để có được một lễ hội trọn vẹn, nghiêm túc thì các giai đoạn chuẩn bị phải chu đáo, đầy đủ, tỉ mỉ, chi tiết, từ lời ăn tiếng nói, cách đi đứng cách thể hiện lời khấn vái khi cúng, để thần linh thấy được sự thành tâm của dân làng đối với các vị thần.
Đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về vị trí lễ cúng là một trong những thứ không thể thiếu trong lễ cúng máng nước. Nước trên nguồn phải bịt chặt lại, không được cho nước chảy vào ống dẫn khi chưa thực hiện lễ cúng. Nghi thức này chỉ có những người đàn ông thực hiện.
Sau khi làm xong phần thứ nhất, trên nguồn đã đầy đủ, sẽ sang giai đoạn thứ hai, dựng cây nêu tại đầu nguồn nước cúng. Hai bước này chuẩn bị trước khi diễn ra lễ cúng.
Giai đoạn quan trọng nhất - thực hiện lễ cúng. Già làng sẽ là người chủ trì lễ cúng, tất cả những người đàn ông trong làng mặc trang phục truyền thống, lễ vật gồm 1 con heo, già làng sẽ đi trước, sau đó người khiêng con heo và tất cả những người còn lại sẽ theo sau, khi đi phải đi theo đúng hàng lối, không đi tách rời cho đến khi tới nguồn nước. Đây, chính là sự trang nghiêm của dân làng để minh chứng cho thần nước thấy được lòng thành của con người.
Tại đây, già làng bắt đầu thực hiện nghi lễ cúng bái thần nước. Lời khấn của già làng sẽ gửi đi thông điệp cầu nguyện cho dân làng có một mùa màng bội thu, ban phước lành cho dân làng làm ăn thuận lợi, đoàn kết, cho dân làng nguồn nước trong lành quanh năm… Sau đó, cắt tiết heo đưa vào ống dẫn nước, rồi hô 3 tiếng… 3 tiếng hô đó, sẽ được hô thật to để những người con gái, phụ nữ đứng chờ tại Máng nước nghe được và biết là đã xong nghi thức lễ trên nguồn nước.
Lúc này, những phụ nữ sẽ háo hức đón một nguồn nước mới, pha lẫn tiết heo. Mỗi nhà sẽ dùng hai ống lồ ô, để hứng nước mới, gia đình chủ làng sẽ lấy nước trước và làm thủ tục hứng nước từ ống lồ ô và đổ cho từng ống của các gia đình trong làng. Mỗi người sẽ cầm một đoạn sợi chỉ trắng móc vào ống nước, sau đó lấy sợi chỉ đó đeo vào cổ của gia đình già làng. Sau đó, gia đình già làng đeo sợi chỉ cho từng gia đình trong làng.
Những người đàn ông từ trên nguồn nước sẽ về lại nơi cúng, chỗ cây nêu. Sau đó, tiến hành mổ heo và chia cho từng gia đình, để lại một phần tại máng nước, phần này là của chung, dân làng sẽ tập trung tại nhà rông (nhà già làng) để cùng ăn, thủ tục này có ý nghĩa thể hiện tình thần đoàn kết cộng đồng keo sơn bền chặt.
Trong khi chờ đợi thủ tục làm thịt heo để chế biến đồ ăn chung, thì những người đàn ông và phụ nữ sẽ thể hiện bài múa cồng chiêng. Đây, là phần nghi lễ đặc biệt nhất, phần này chính là sự thể hiện lòng trung thành, sự thành kính của người dân đối với các vị thần cai quản, đất trời, non nước.
Những tiếng cồng, tiếng chiêng, những điệu múa sẽ được thể hiện ngay tại máng nước cúng, với sự tham gia của tất cả thành viên trong làng.
Phục dựng nghề dệt thổ cẩm tại lễ hội Tết Máng nước làng Cheng Tong
Phần cuối cùng của lễ cúng, tất cả người dân trong làng sẽ tập trung về nhà rông – nhà già làng, cùng nhau quần bên mâm cơm, và cùng nhau uống rượu cần. Lúc này, già làng sẽ dặn dò con cháu, dặn dò dân làng, phải biết giữ gìn nguồn nước trong lành, sạch sẽ; hãy luôn yêu thương nhau, chia sẻ đùm bọc nhau lúc khó khăn. Dặn dò con cháu cố gắng làm ăn, để cho mùa màng bội thu, một năm mới may mắn, thành công.
Nhiều trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi trong khuôn khổ lễ hội
Đời sống văn hóa tinh thần – tâm linh của người Xơ Đăng cũng xuất phát trước hết từ nhu cầu cuộc sống, từ quan niệm về vạn vật hữu linh, trong đó nguồn nước có vai trò đặc biệt quan trọng, là mạch nguồn của sự sống.
Khách du lịch tham gia trải nghiệm tại lễ hội cúng máng nước
Nghi lễ cúng máng nước được thực hiện hằng năm, vào mùa Xuân, mùa của sự sinh sôi nảy nở, của sức sống, của sự khởi đầu cho những điều may mắn, tốt lành! Lễ hội cộng đồng cúng máng nước của người Xơ Đăng, cùng với những giai điệu cồng chiêng, những điệu múa của cô gái và chàng trai Xơ Đăng hôm nay, cũng như những ngày diễn ra Lễ hội, sẽ để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng quý vị đại biểu, du khách gần xa!
Lễ cúng máng nước sẽ là thời gian, là không gian cho những tiếng cồng, tiếng chiêng, những điệu múa của những chàng trai, cô gái Xơ Đăng thể hiện. Đây cũng là dịp để khơi dậy niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với bản sắc văn hóa của mình, đồng thời là cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hướng đến phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Được biết, xã Trà Cang sẽ tiếp tục tổ chức Hội thi cồng chiêng, hát tingtin và nghề truyền thống vào tháng 7 tới đây tại làng Lâng Loang.