Ngày nay, việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý nhà nước là điều tất yếu, phải được ưu tiên, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao hiệu lực thi hành, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; đồng thời, tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 nêu rõ: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước để đến năm 2020; 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ các hoạt động trong các cơ quan; hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện; đa số các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng ở mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp dựa trên nhiều phương tiện khác nhau; ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động dịch vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công; công bố danh mục các dịch vụ hành chính công trên mạng thông tin điện tử hành chính; xây dựng và sử dụng thống nhất biểu mẫu điện tử trong giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu đơn giản và cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 23/1/2019 về tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp. Trong đó yêu cầu thực hiện đúng các các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số, trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 04/2/2016 của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng chính quyền điện tử tỉnh; Quyết định số 2985/QĐ-UBND ngày 18/8/2017 về ban hành quy chế quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Phước - PCT UBND huyện nhấn mạnh " Việc đưa vào sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trong hoạt động của cơ quan nhà nước và sử dụng phần mềm hành chính công điện tử có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính, ứng dụng CNTT; tăng tính hiệu lực và tính pháp lý của văn bản điện tử trong việc gửi và nhận văn bản qua môi trường mạng; đồng thời giảm chi phí in ấn, tiết kiệm thời gian thực hiện trình ký, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin; góp phần đổi mới phương thức hoạt động, lề lối làm việc, thiết thực, kịp thời theo sự chỉ đạo của cấp trên và phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp"
Tại Hội nghị, lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, đơn vị, UBND các xã trên địa bàn huyện đã được báo cáo viên của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh hướng dẫn thực hành, tiếp cận với những vấn đề cơ bản về lợi ích, hiệu quả, cách sử dụng chữ ký số, chứng thư số và phần mềm Hành chính công điện tử để ứng dụng vào hoạt động quản lý nhà nước, trong giải quyết, điều hành công việc tại cơ quan, đơn vị mình với môi trường điện tử, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ cải cách hành chính của địa phương, đơn vị, hướng tới xây dựng chính quyền hiện đại thời gian tới.