UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBMTTQVN tỉnh, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin, báo chí: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây; vận động cán bộ và nhân dân tích cực hưởng ứng Tết trồng cây bằng việc tham gia trồng cây gây rừng, trồng cây phân tán vừa góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch trồng cây phân tán năm 2016, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chung của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và toàn huyện, thị xã, thành phố.
Việc trồng cây được phát động vào thời điểm thích hợp nhưng thực hiện quanh năm tuỳ theo tình hình thời tiết, thời vụ, đất đai các địa phương. Các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm kiểm tra công tác trồng cây và trực tiếp tham gia trồng cây với cán bộ, nhân dân địa phương, tránh phát động hình thức. Để việc trồng cây mang lại hiệu quả thiết thực, từng đơn vị cơ sở có phương án chi tiết về địa điểm, loài cây trồng, diện tích, số lượng cây trồng và người chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây trồng.
Đối với vùng đồng bằng chọn và bố trí cây trồng ở những nơi đất trống quanh nhà, các công viên, khu văn hóa thể thao, sân vận động, dọc đường giao thông đô thị, nông thôn, nội đồng, ven đê. Đối với các vùng ven biển trồng cây thành các đai rừng chắn sóng, ngăn lũ, giữ đất lấn biển, chắn gió, chắn cát bay. Đối với vùng trung du, miền núi trồng ở những nơi đồi gò, đất trống, vườn rừng, trang trại rừng theo phương thức nông lâm kết hợp để phát huy tác dụng phòng hộ chống xói mòn. Trong các cơ quan, khu công nghiệp, nhà máy, trường học, bệnh viện bố trí trồng cây xanh tạo bóng mát, cải tạo môi trường. Lưu ý việc trồng cây gắn với cải tạo cảnh quan các xã xây dựng nông thôn mới.