Phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có thể trèo lên đỉnh sâm của anh nông dân trẻ. Trang trại sâm rộng khoảng 7ha, chủ yếu là sâm dây và sâm đương quy nằm trên đỉnh đồi thôn Măng Đen xã Đăk Long, nơi được mệnh danh là TP. Đà Lạt thứ 2. Từ xa nhìn lại chúng tôi đã nhìn thấy màu lá xanh non mơn mởn của từng lối sâm dây bát ngát giữa vùng bạt ngàn đồi núi.
Tỷ phú sâm dây đang hướng dẫn người làm cách trồng và chăm sóc sâm
Nhìn đôi bàn tay nhỏ nhắn, thoăn thoắt lắp ráp bộ ống tưới nước cho vườn sâm dây, rất khó để tin được rằng anh nông dân ấy lại chưa hề học qua một trường lớp đào tạo nào về nông nghiệp. Việc trồng, chăm sóc và phát triển toàn bộ diện tích gần 7ha sâm anh đều tự mày mò nghiên cứu. Chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến nay anh Đại đã xuất đi 2 triệu cây giống sâm giây thu về gần 3 tỷ đồng, đó là chưa kể đến nguồn thu nhập từ củ và lá sâm. Cụ thể, mỗi năm anh có khoảng gần 400 triệu từ củ sâm tươi và khô, lá anh bán 70.000 đồng/kg.
Công nhân của anh Đại đang đào những cây giống cung cấp cho bà con.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, anh Đại đã xuất bán 2 triệu cây giống.
Chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc xây dựng và phát triển vườn sâm hàng tỷ đồng, anh Đại phân tích: “Sâm là loại cây dược liệu ưa thích với khí hậu lạnh nên khi mới nhú cây sẽ ưa râm hơn, khi đó chúng ta phải che chắn cẩn thận. Đến khi sâm được 6 cặp lá thì bỏ lưới che để cây quang hợp, hấp thụ ánh nắng đều hàng ngày thì củ sâm mới to. Tuyệt đối không thể bón phân sống vào cây mà sử dụng phân chuồng đã ủ mục để tránh được các loại mầm bệnh gây hại. Ngoài ra, cần phải luân chuyển diện tích trồng và ươm giống trên quỹ đất. Còn bệnh tật thì sâm chỉ mắc một loại bệnh là nấm lá, tuy nhiên chỉ cần cắt bỏ cây bị bệnh đó một thời gian sau nó sẽ mọc lại và không bị bệnh nữa…”.
Bên cạnh trồng sâm để cung cấp cây giống cho bà con, anh Đại còn có nguồn thu lớn từ củ sâm dây.
Dù chưa được học qua một trường lớp đào tạo nào, tuy nhiên trang trại sâm của anh nông dân chân đất này vẫn cho năng suất khá cao.
Bên cạnh vườn sâm dây bạt ngàn, anh Đại còn tiếp tục tìm hiểu sâm đương quy để làm thuốc bắc. Năm 2014, anh tiến hành mua 1kg hạt thử nghiệm, trong quá trình ươm giống cây cũng chết khá nhiều nhưng vẫn đạt hiệu quả. Sau 1 năm, bình quân 8 củ sâm đương quy của anh đã đạt 1kg, đợt đó anh thu về được 1 tấn, với giá 85.000/kg tổng thu sâm đương quy của anh khoảng 85 triệu đồng.
Hiện tại anh Đại đang cung cấp lá sâm dây với số lượng khá lớn cho một siêu thị ở TP. Kon Tum.
Hiện tại, do nhu cầu sử dụng cây giống của người dân khá lớn nên anh đang tập trung vào ươm giống cho bà con. Theo như anh Đại, để có thể xuất bán một cây giống cần đảm bảo các điều kiện như, cây không xuất hiện bệnh tật, có chiều dài từ 15-20cm, thời gian trồng để lấy giống khoảng 6 tháng. Mỗi cây giống sẽ giao động từ 1.500 – 1700 đồng, còn lấy củ sau 2 năm sẽ thu được những nơi đất tốt thì khoảng 1,5 năm.
Sau khi xuất bán củ, lá sâm anh Đại sẽ xuất bán 70.000 đồng/kg cho các nhà hàng để nấu canh...
Toàn bộ diện tích trang trại sâm đều được anh Đại lắp đặt hệ thống tưới béc.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Đại còn tạo công ăn việc làm cho 7 công nhân trong trang trại sâm của mình với số tiền 4 triệu đến 5 triệu đồng/tháng. “Sắp tới tôi sẽ mở rộng thêm để có đủ nguồn giống cung cấp cho bà con, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước lại đỡ mất thời gian làm cỏ…”, anh Đại cho hay.
Là trang trại sâm dây cung cấp số lượng giống lớn cho bà con, vườn sâm dây của anh Đại được Phòng Nông nghiệp huyện Kon Pơ Lông đánh giá rất cao.