Sáng 29-9, UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) tổ chức buổi họp báo thông tin về phiên chợ sâm núi Ngọc Linh được tổ chức định kỳ hàng tháng trên địa bàn huyện.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, huyện Nam Trà My được thiên nhiên ưu đãi được sở hữu một trong 5 loại dược liệu quý hiếm nhất thế giới, đó là sâm Ngọc Linh. Vào tháng 6-2017, sâm Ngọc Linh đã được công nhận là sản phẩm quốc gia.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay phiên chợ sâm núi Ngọc Linh là một sự kiện văn hóa, du lịch và thương mại độc đáo lần đầu tiên và duy nhất chỉ có tại huyện Nam Trà My. Phiên chợ được khai mạc tối ngày 1 và bế mạc sáng ngày 3 hàng tháng, tại thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Phiên chợ đầu tiên được tổ chức vào ngày 1 đến 3-10-2017.
Tại phiên chợ sẽ có hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu cây Sâm Ngọc Linh của các hộ trồng sâm, các sản phẩm được chế biến từ Sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp như rượu sâm, viên nang sâm, trà sâm, rượu sâm...
Ngoài ra, còn có hơn 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông – lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được làm ra trên địa bàn huyện Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam như quế Trà My, hàng thổ cẩm, các loại cây dược liệu, nông sản đặc trưng...
Trong khuôn khổ phiên chợ sẽ có các hoạt động như gặp gỡ, trao đổi giữa du khách với các hộ trồng sâm, các doanh nghiệp trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực với đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Nam Trà My. Đặc biệt, du khách sẽ được tận mắt xem, tìm hiểu và được hướng dẫn cách phân biệt sâm thật giả.
Ông Hồ Quang Bửu sẽ chịu trách nhiệm nếu ai mua sâm giả ở phiên chợ
"Đến với phiên chợ sâm núi Ngọc Linh, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa của đồng bào miền núi, những đặc sản của vùng đất Nam Trà My và đặc biệt được mua sâm Ngọc Linh và những sản phẩm từ sâm đảm bảo chất lượng, được kiểm định và kiểm nghiệm chặt chẽ" – ông Bửu giới thiệu.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về tình trạng sâm giả có thể trà trộn vào hội chợ, ông Bửu cho biết huyện sẽ có các phương án kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo 100% không có sản phẩm giả len lỏi vào hội chợ. Ông Bửu cam kết nếu người dân, du khách đến hội chợ mua trúng sâm giả thì ông sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Ông Bửu cho hay tại mỗi phiên chợ sẽ bán được khoảng 20 kg sâm và huyện sẽ đảm bảo đủ số lượng sâm để tổ chức mở phiên chợ theo định kỳ hàng tháng. Giá sâm sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và độ "đẹp – xấu" của củ sâm. Sản phẩm sâm củ bán tại hội chợ sẽ có giá từ 65 triệu đồng/kg (loại 30-35 củ/kg) đến 90-95 triệu đồng/kg (loại 9-10 củ/kg). Những củ sâm có dáng hình đẹp, lâu năm thì có giá hàng trăm triệu đồng.
Sản phẩm sâm lá có giá từ 5,5 đến 6,5 triệu đồng/kg lá tươi, giá lá khô sẽ được nhân gấp 6 lần (6 kg lá sâm tươi sẽ được 1 kg lá sâm khô). Ông Bửu lưu ý với người tiêu dùng rằng lá sâm khô bán ngoài thị trường từ vài trăm đến vài triệu đồng/kg toàn là lá sâm giả vì sâm thật không bao giờ có giá đó.