Diện mạo mới
Từ khi xã Trà Mai được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V, nội thị huyện Nam Trà My khoác một diện mạo mới, hạ tầng khang trang, sức sống thị dân sôi động. Đêm ở xứ núi không còn trầm buồn như nhiều năm trước, bởi các dịch vụ ăn uống, giải trí mở cửa phục vụ người dân đến hơn 22 giờ đêm.
Ông Trần Duy Dũng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, việc thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đạt được những kết quả rất tích cực. Trong đó, huyện tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, với tổng nguồn vốn huy động đầu tư đạt hơn 1.500 tỷ đồng, phần huy động từ ngân sách nhà nước gần 1.305 tỷ đồng, tăng gần 100% so với tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2011 - 2015; huy động hơn 200 tỷ đồng từ các thành phần kinh tế khác. Đến nay, hạ tầng giao thông kết nối thông suốt giữa các xã, các vùng trên địa bàn huyện, đường bê tông về đến hầu hết thôn, nóc. Các điểm trường không còn phòng học tạm bợ, hệ thống trường xã được tầng hóa, cơ sở vật chất trang bị đảm bảo phục vụ việc dạy và học.
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ phát triển giá trị sản xuất của huyện Nam Trà My ước đạt 9,62%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước tính 24 triệu đồng, tăng 12 triệu đồng so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cao hơn 4 triệu đồng so với chỉ tiêu Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy đề ra. Tổng diện tích rừng trồng mới và phục hồi trên địa bàn là 1.329ha; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 59,64%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70,89% năm 2015 xuống còn 37,37% năm 2019, bình quân giảm 8,38%/năm; năm 2020 tỷ lệ giảm nghèo ước đạt 5%, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 32,37%...
Công tác quy hoạch, sắp xếp lại dân cư theo Nghị quyết số 05 ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy được huyện Nam Trà My chỉ đạo chặt chẽ, trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với tập quán sinh hoạt, điều kiện canh tác; gắn với lồng ghép các nguồn lực để triển khai nhanh, sớm ổn định đời sống nhân dân. Trong 5 năm qua, địa phương thực hiện di dời, sắp xếp được 43 khu dân cư với 1.928 hộ dân. Diện mạo các khu dân cư sau sắp xếp có nền nếp; đời sống và sản xuất đi vào ổn định nên người dân phấn khởi, yên tâm hơn trước.
“Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nhất là sự kết nối thông suốt về giao thông mở ra những cơ hội mới trong việc trao đổi mua bán hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa các địa bàn, thu hút doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư, phát triển du lịch. Đặc biệt, từ sự giao thương hàng hóa, tư duy làm ăn kinh tế của người dân đã có sự chuyển đổi tích cực, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương” - ông Dũng chia sẻ.
Phát huy thế mạnh
Những năm qua, trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, Nam Trà My tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa rẫy sang trồng cây chuối mốc, cây quế, các loại cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh... bởi giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời hạn chế phá rừng làm rẫy, khôi phục và phát triển rừng bền vững.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Trần Duy Dũng khẳng định, huyện không khuyến khích người dân sản xuất lúa rẫy, mà tập trung nguồn lực hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ khi cây sâm Ngọc Linh được khẳng định giá trị, lãnh đạo huyện tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của địa phương để thu hút đầu tư.
“Huyện đã thành lập tổ xúc tiến thu hút đầu tư và xây dựng cụm công nghiệp Trà Mai với diện tích khoảng 5ha. Đến nay, có 50 cá nhân, doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư. Thành lập 15 hợp tác xã đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp” - ông Dũng thông tin.
Hoạch định cho chặng đường mới, Nam Trà My hướng đến mục tiêu phát triển trở thành huyện khá trong khối các địa phương miền núi của tỉnh. Trong các chỉ tiêu đặt ra, huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2020 - 2025 hơn 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 - 45 triệu đồng/năm...
“Từ định hướng đề ra, Nam Trà My xác định tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ vừa qua. Trong đó, huyện sẽ chú trọng cử đi đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về lĩnh vực nông lâm nghiệp, nhất là nghiên cứu, chế biến các sản phẩm dược liệu, sâm Ngọc Linh, quế Trà My... nhằm tăng giá trị sản phẩm, góp phần kích thích người dân sản xuất, kinh doanh” - ông Dũng nói.