Đoàn công tác khảo sát Trạm dược liệu Trà Linh (xã Trà Linh)
Cùng đi có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, địa diễn lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Về phía huyện có đồng chí Lê Thanh Hưng – TUV, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện.
Định hướng phát triển cây sâm Ngọc Linh
Theo báo cáo của xã Trà Linh, toàn xã hiện vẫn còn 229/728 hộ nghèo (tỷ lệ 31,46%). Địa phương đang động viên, khuyến khích người dân phát triển dược liệu gồm sâm Ngọc Linh, sâm nam, sâm quy. Toàn xã có 68 chốt với 645 hộ dân tham gia trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Người dân đã gieo cấy diện tích lúa chỉ đạt 6,5/150ha, do thời tiết không thuận lợi.
Phát biểu tại buổi làm việc với xã Trà Linh, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là cơ chế khuyến khích phát triển dược liệu.
Trà Linh là xã có loại dược liệu quý sâm Ngọc Linh, vì thế tỉnh sẽ sát cánh cùng với huyện Nam Trà My, xã Trà Linh động viên, khuyến khích nhân dân phát triển dược liệu. Bên cạnh thuận lợi thì Trà Linh là xã vùng cao, đi lại khó khăn, hộ nghèo còn nhiều, thiếu tư liệu sản xuất, không phải ai cũng có điều kiện trồng.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị đảng ủy, chính quyền, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn cần quan tâm đến người dân, đặc biệt là hộ nghèo, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội được trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí Phan Việt Cường đề nghị huyện tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp về đầu tư, phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình trồng sâm, dược liệu hiệu quả.
Khảo sát tại Trạm dược liệu Trà Linh, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đánh giá cao công tác tổ chức và bảo vệ sâm Ngọc Linh của Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam. Đồng thời nhấn mạnh, từ sự nỗ lực của mỗi cá nhân đã góp sức bảo vệ và chăm sóc hiệu quả vườn sâm của tỉnh.
Để sâm Ngọc Linh thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, trở thành cây chủ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo vùng miền núi Nam Trà My và của tỉnh, đồng chí Phan Việt Cường đề nghị cán bộ, nhân viên Trạm Dược liệu sâm Ngọc Linh tiếp tục phối hợp quản lý, bảo tồn và nghiên cứu nhân giống gen sâm gốc tự nhiên, đảm bảo tiêu chuẩn về giá trị sâm Ngọc Linh.
"Với khí hậu và thổ nhưỡng mát lạnh, Nam Trà My rất có lợi thế trong phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Qua nghiên cứu, đánh giá của các nhà chuyên môn, sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam có chất lượng vượt trội so với địa phương khác.
Vì thế, cùng với chú trọng công tác quản lý, chăm sóc vườn sâm tại chỗ, địa phương cần nghiên cứu bảo tồn nguồn gen chuẩn đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển dược liệu trong người dân. Việc làm này, cũng góp phần xây dựng thương hiệu cho sâm Ngọc Linh Quảng Nam nói riêng và "quốc bảo" của Việt Nam nói chung" - đồng chí Phan Việt Cường nhấn mạnh.
Giải quyết chồng lấn địa giới hành chính: lấy nhân dân làm gốc
Bí thư Tỉnh uỷ nói chuyện với già làng, người có uy tín tại Trà Vinh
Thời gian qua, xã Trà Vinh di dời 25 hộ theo chủ trương sắp xếp ổn định dân cư tại khu trung tâm xã; làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện mô hình trồng quế Trà My xen với sắn cao sản.
Khó khăn nhất đối với xã hiện nay là chồng lấn địa giới hành chính, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Dịp này, địa phương đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương sớm giải quyết dứt điểm việc chồng lấn ranh giới ranh hành chính giữa xã Trà Vinh (Nam Trà My) với xã Đắc Nên (huyện Kon PLong, tỉnh Kon Tum) nhằm đảm bảo quản lý địa bàn, dân cư, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn 2 xã, cho nhân dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.
Theo đó, thôn 3 (xã Trà Vinh) có 232 hộ dân, với 1.047 nhân khẩu, tổng diện tích tự nhiên 6.566ha. Nhưng toàn bộ nhân khẩu của thôn này lại đang sinh sống trong địa bàn thuộc quản lý của xã Đắc Nên theo Chỉ thị 364 của Chính phủ.
Đến nay, huyện Nam Trà My và xã Trà Vinh đã tổ chức 5 cuộc trưng cầu ý kiến nhân dân, 100% nhân dân tại thôn 3 (Trà Vinh) đều thống nhất đề nghị Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh đường địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 trùng khớp với đường địa giới truyền thống mà nhân dân hai xã đã sinh sống, sản xuất từ bao đời nay để nhân dân ổn định cuộc sống.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trà Vinh trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đề nghị Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.
Đối với vấn đề chồng lấn ranh giới hành chính, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ có những kiến nghị đến các bộ ngành, Chính phủ xem xét giải quyết theo nguyện vọng nhân dân, để nhân dân yên tâm sinh sống ổn định.
Thăm và tặng quà gia đình chính sách, người có công
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại huyện Nam Trà My, Bí thư Tỉnh uỷ Phan Việt Cường đã trao tặng 7 suất quà cho già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; 10 suất quà cho gia đình chính sách, thân nhân liệt sĩ; 10 suất quà tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn của xã Trà Linh. Ngoài ra, đồng chí Phan Việt Cường cũng trao 250 triệu đồng từ nguồn Quỹ Cứu trợ tỉnh hỗ trợ làm nhà cho người dân có nhà bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn xã.
Gặp mặt, tặng quà người có công, gia đình chính sách, hộ khó khăn tại xã Trà Linh
Tại Trà Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cùng đoàn công tác trao tặng 7 suất quà cho già làng và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, 5 suất quà cho gia đình chính sách, 10 suất quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn Quỹ Cứu trợ tỉnh, đoàn trao tặng 250 triệu đồng để xã Trà Vinh xét chọn, hỗ trợ 5 gia đình có nhà bị ảnh hưởng bởi thiên tai để làm lại nhà ở.
Đến thăm, tặng quà gia đình chính sách, các thương binh trên địa bàn xã Trà Mai, Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các gia đình chính sách, người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, động viên con cháu nỗ lực học tập, lao động tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của địa phương. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công.