Dự lễ có các đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo tỉnh; đoàn đại biểu các quận, huyện của TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Lào Cai, Yên Bái.
Phát triển theo thời gian
Tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My - Lê Thanh Hưng đã ôn lại chặng đường phát triển của Nam Trà My sau tái lập. Qua 7 lần thành lập, chia tách, sáp nhập, huyện được tái lập trên cơ sở chia tách huyện Trà My thành hai đơn vị hành chính Nam Trà My và Bắc Trà My theo nghị định của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2003. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử, chính trị trọng đại, trở thành dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My.
Khi tái lập, Đảng bộ và Nhân dân huyện Nam Trà My gặp nhiều khó khăn bởi kinh tế chậm phát triển; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, yếu kém; thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách rất thấp; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 90%, tình trạng đói cơm, lạt muối vẫn diễn ra quanh năm; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, là nỗi ám ảnh của mỗi người khi đặt chân đến Nam Trà My.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, 20 năm qua, các thế hệ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện luôn chung sức, đồng lòng vượt qua mọi thử thách và đạt nhiều thành tích trên tất cả lĩnh vực. Từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay Nam Trà My đã có một nền tảng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 10%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp - thủy sản; giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng khá, đạt hơn 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng/năm, tăng gần 11 lần so với năm 2003.
Kinh tế nông, lâm nghiệp từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, có giá trị cao và bền vững. Cây sâm Ngọc Linh, quế Trà My và dược liệu miền núi được xác định là các sản phẩm chủ lực, là đầu tàu dẫn dắt các sản phẩm của địa phương thâm nhập vào các thị trường, tạo nên chuỗi gia tăng giá trị kinh tế nông, lâm nghiệp.
Toàn huyện hiện có 16 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3 sao, 4 sao và được thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Công tác xây dựng nông thôn mới, ổn định và sắp xếp dân cư được tập trung chỉ đạo.
Đến nay, Nam Trà My có 1 xã về đích nông thôn mới, 57 khu dân cư với gần 2.600 hộ được sắp xếp ổn định. Hệ thống giao thông có bước phát triển đột phá, nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng được hình thành và mở rộng kết nối Nam Trà My với các huyện bạn, tỉnh bạn như quốc lộ 40B, Đông Trường Sơn, Trà Vinh - Đăk Ru, Măng Lùng - Đăk Glei; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm đi được quanh năm...
Phát huy nội lực, phát triển bền vững
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, Nam Trà My là một trong 6 huyện miền núi cao của Quảng Nam, nằm trên trục đường giao thông phía tây - nam, là cửa ngõ quan trọng kết nối tỉnh với khu vực Tây Nguyên. Nam Trà My được mệnh danh là thủ phủ của sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam.
Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Nam Trà My là một trong những cái nôi của cách mạng, nơi hình thành “Mật khu Đỗ Xá” - tiền thân của cơ quan lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ ở khu 5. Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My có lòng yêu nước nồng nàn, có niềm tin sắt son, một lòng theo Đảng, theo cách mạng; cần cù trong lao động sản xuất; anh dũng, mưu trí và ngoan cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đảng bộ huyện Nam Trà My không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, toàn Đảng bộ hiện có 42 tổ chức cơ sở đảng với 1.900 đảng viên, gấp 2,5 lần so với thời điểm mới tái lập. Phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường hoan nghênh Nam Trà My đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Đặc biệt đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung.
Vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15 nghìn héc ta tại 7/10 xã của huyện; có hơn 1.250 hộ gia đình tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm.
Ngày 1/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611 phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quảng Nam nói chung, huyện Nam Trà My nói riêng phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để triển khai hiệu quả các chủ trương về phát triển cây sâm Ngọc Linh ngang hàng với các loại sâm đặc biệt quý hiếm trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.
Đồng chí Phan Việt Cường đề nghị thời gian tới, Nam Trà My xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tiếp tục giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện. Phát huy ý chí tự lực tự cường, tự quản, đoàn kết, sáng tạo, khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương Nam Trà My ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng tốt hơn.
Nam Trà My cần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện có, kết hợp lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hiệu quả Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng chí Phan Việt Cường cũng đề nghị huyện tập trung bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống; quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, già làng, người có uy tín trong cộng đồng; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xứng đáng với truyền thống của vùng căn cứ địa cách mạng khu 5.
Thêm vào đó, tiếp tục phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, trưởng thôn trong việc tuyên truyền, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; vận động người dân nâng cao ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.